Hôm nay: Thứ bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Đình Tiên Lữ (đình Bụt), xã Tiên Lữ (Lập Thạch) thờ 3 vị thần có danh hiệu Đông Nha Đại Vương. Trong dân gian còn gọi là chàng Cả, chàng Hai và chàng Ba; cả 3 người đều họ Trần; các Ngài đã có công đánh đuổi giặc Chiêm Thành (1376-1396) trong trận đánh Đầm Hồng. Thời Lê Trung Hưng (1533-1789) đình được xây dựng tại đồi Tó Trị của làng Chặng với tên gọi là đình Bụt. Sau đó, làng Chặng được đổi tên là Tiên Lữ. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), đình được rời về trung tâm xã Tiên Lữ và xây dựng mới, đến tháng Chạp năm 1834 thì cất nóc và được gọi là đình Tiên Lữ cho đến ngày nay.

Đình Tiên Lữ được xây dựng theo lối kiến trúc xưa bao gồm: Tòa đại đình 5 gian, 2 dĩ có diện tích 330m2. Phần còn lại là sân đình và hai gian tả mạc và hữu mạc. Đại đình có 4 mái với các đao đình hình đầu rồng uốn cong. Thượng cung được nâng cao thành một sàn gác ở chính gian giữa, giảm được phần chuôi vồ. Đình có nhiều bức chạm khắc gỗ trên các bức cốn, kẻ, bẩy và đồ tự khí. Xưa kia, đình Tiên Lữ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng của nhân dân địa phương và quanh vùng. Ngày nay, ở xã Tiên Lữ vẫn còn giữ được một tập quán độc đáo: Ngày nào cũng vậy, vào buổi trưa hay buổi tối, người dân ở các xóm lại quây quần ngồi uống nước chè tươi với nhau thân mật như trong một gia đình. Cái thú uống chè tươi tập thể ở làng Tiên Lữ có từ bao giờ không ai hay. Chỉ biết rằng: Xưa kia, thôn Lương Cầu là một xóm nhỏ, dân cư thưa thớt, tối nào mà nghe thấy tiếng trống Chèo ở đình làng thì rủ nhau đến xem. Những ngày không có tiếng trống ở đình thì chẳng biết làm gì cho hết đêm. Mọi người rủ nhau đến nhà một người nào đó chơi rồi lâu dần thành hội “Chè tươi”. Mới đầu, hội chỉ họp buổi tối, sau thấy đông vui dân làng họp cả buổi trưa nhưng luân phiên mỗi nhà. Chỗ ngồi rất đơn giản, buổi trưa thì ngồi trong nhà; buổi tối ngồi ngoài sân rải chiếu ngồi với nhau. Điểm mấu chốt trong những dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng này là “Nhà đăng cai” phải đun một nồi chề tươi thật ngon đúng với khẩu vị của người dân địa phương. Uống nước chè tươi phải dùng “Bát”, vừa uống vừa thổi mới ngon. Đúng “Luật” phải dùng một gáo dừa có tra cán để múc ra bát.

Bài, ảnh Thành An

 

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)