Hôm nay: Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Những năm trở lại đây, dường như việc cưới ngày càng được tổ chức phô trương, rườm rà, ăn uống linh đình gây tốn kém, mang gánh nặng cho một số gia chủ và phức tạp cho xã hội. Để thực hiện cưới, hỏi tránh lãng phí, trở thành một nét đẹp văn minh, năm 2000, thị trấn Yên Lạc xây dưng quy ước trong việc cưới hỏi. Từ đó đến nay, quy ước đã đi sâu và trở thành nếp sống văn minh của người dân.

Khác với một số xã, phường, đám cưới được tổ chức linh đình, nhạc sống ầm ĩ, với vài trăm mâm cỗ khách được tổ chức 2 đến 3 ngày. Còn ở thị trấn Yên Lạc thì không chỉ khách đến tham dự ít hơn, đám cưới gọn nhẹ.   Đám cưới ở thị trấn chỉ được tổ chức vào 2 ngày trong tháng đó là ngày mùng 2 và 16 hàng tháng âm lịch. Vào những dịp cuối năm, tháng 10 và tháng 11 âm lịch, đám cưới sẽ được tổ chức vào 4 ngày, mùng 2,10,10 và 22. Ngày ăn hỏi, các gia đình sẽ rút gắn trước ngày cưới 1 ngày, tránh tình trạng kéo dài lãng phí. Ngày cưới, các gia đình không làm sân khấu, không dùng nhạc sống ầm ĩ, tổ chức phải thật sự gọn nhẹ, tránh phô trương hình thức. Theo quy ước, đám cưới có thể tổ chức tiệc trà hoặc tiệc mặn  nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, họ hàng nội ngoại, bạn bè thân hữu. Tránh tình trạng mời khách tràn lan, ăn uống linh đình, xóa bỏ thủ tục nợ miệng và biếu xén trong việc cưới xin. Đặc biệt những gia đình tổ chức cưới không xử dụng thuốc lá, xem xét mê tín đón dâu 2 lần  và ăn lại mặt sau ngày cưới. Đối với các trường hợp cưới ở nơi khác về báo hỷ, các gia đình cũng phải tuân theo quy định của địa phương phải tổ chức gọn nhẹ, không sử dụng loa đài. Từ khi ban hành quy ước, đến năm 2010, sau khi lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, Đảng ủy sửa đổi bổ sung bản quy ước về trang phục cô dâu trong ngày cưới được mặc váy cưới, nhằm phù hợp điều kiện kinh tế gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ văn hóa thị trấn cho biết: Ban đầu khi ban hành quy ước đến tận người dân thật khó khăn, bởi nhiều người vẫn còn giữ phong tục cũ, lạc hậu. Để thay đổi nhận thức cũng như thay đổi phong tục ở địa phương cũng cần thời gian. Trong khi một số hộ gia đình phản đối vì họ coi ban hành quy ước đó là mất quyền dân chủ. Tuy nhiên,  để quy ước được đi vào đời sống người dân, ngay từ khi xây dựng quy ước, Đảng ủy ra nghị quyết, thành lập ban soạn thảo quy ước, tổ chức họp dân lấy ý kiến đóng góp và thông qua tiếp xúc cử tri tại các thôn, lấy ý kiến tổng hợp của người dân và gửi UBND huyện xem xét. Sau khi bản quy ước được duyệt, Đảng ủy chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, bí thư, trưởng các thôn  tổ chức họp dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các dòng họ, gia đình thực hiện. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên là người gương mẫu chấp hành đi đầu trong việc thực hiện đám cưới cho con em mình theo đúng quy định quy ước ban hành. Bên cạnh đó, việc giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh viên đến độ tuổi kết hôn về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới được tổ chức thường xuyên. Khuyến khích các đôi nam nữ kết hôn, nam trên 25 tuổi, nữ độ tuổi 22 trở lên và dâng hương, hoa tại nhà truyền thống, Đài tưởng niệm liệt sỹ.

12 năm qua,  thị trấn Yên Lạc không còn xẩy ra trường hợp gia đình vi phạm quy ước trong ngày cưới. Quy ước đã thực sự đi vào nếp sống của người dân, trở thành thói quen của mọi gia đình, 100% đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp; góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội và nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, phát huy dân chủ, đảm bảo phát triển bền vững các mặt kinh tế, văn hóa xã hội. Yên Lạc có trên 94% gia đình đạt văn hóa, 4/4 làng đạt văn hóa cấp tỉnh, 16 tổ dân phố văn hóa.

Thanh Tuyền

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)