Hôm nay: Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Nhiều cách làm sáng tạo, đi đầu và kiên quyết trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là một trong những quyết tâm hàng đầu của BTV Huyện ủy Yên Lạc năm 2012 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy, chính quyền đã khẩn trương sốc lại đội ngũ, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; đẩy mạnh cải các hành chính và kiên quyết xử lý những vụ việc nổi cộm về công tác Đảng và quản lý kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Đảng bộ TSVM.

Kiên quyết xử lý những sai phạm

Trước, trong và sau khi tổ chức việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4, Huyện ủy Yên Lạc luôn bám sát các nội dung cần làm ngay theo hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh ủy. Trong đó có việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên về giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, còn để xảy ra một số trường hợp vi phạm phải xử lý kỷ luật. Gắn các nội dung cần làm ngay trong quá trình kiểm điểm với các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, Huyện ủy tập trung chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp, các cơ quan, ngành chức năng thẩm tra, xác minh, làm rõ những sai phạm, yếu kém để xử lý dứt điểm, đúng người, đúng việc đối với những sai phạm đã xảy ra; thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa những sai phạm mới có thể phát sinh.

Trước khi tiến hành kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4, UBKT Huyện ủy đã kiểm tra và kết luận những vi phạm của một số tập thể, cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ các xã Tề Lỗ và Trung Nguyên. Đã đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy ra quyết định xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có vi phạm, đảm bảo nghiêm minh, chính xác và kịp thời. Trong quá trình tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Huyện ủy tiếp tục giao cho UBKT Huyện ủy và UBKT cơ sở kiểm tra 60 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, UBKT Huyện ủy kiểm tra 22 đảng viên; UBKT cơ sở kiểm tra 38 đảng viên. Qua đó, kết luận 26 đảng viên có vi phạm, ra quyết định thi hành kỷ luật 8 đảng viên. Đối với tổ chức cơ sở đảng, UBKT các cấp đã kiểm tra 21 tổ chức (4 Đảng ủy và 17 ban chi ủy). Qua kiểm tra, các cấp ủy và UBKT Huyện ủy đã thi hành kỷ luật 49 đảng viên bằng các hình thức: Khiển trách 24 đảng viên; cảnh cáo 10 đảng viên; cách chức 9 đảng viên và đưa ra khỏi đảng 6 đảng viên có vi phạm. BTV Huyện ủy thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng bằng các hình thức: cảnh cáo Ban Chấp hành, khiển trách BTV Đảng ủy xã Tề Lỗ; khiển trách BTV Đảng ủy xã Bình Định và Ban Chấp hành Đảng ủy xã Trung Nguyên. Việc xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân có sai phạm đảm bảo tính nghiêm minh, chính xác và kịp thời đã góp phần củng cố  niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là ở những địa phương có tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy

Đi đôi với kiểm điểm làm rõ các nội dung, yêu cầu đặt ra trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Huyện ủy đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo. Trên cơ sở tiếp tục duy trì, thực hiện tốt Quy chế làm việc, đảm bảo tính khoa học, chủ động trong lãnh đạo, điều hành, xây dựng chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Huyện ủy tập trung lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Việc tham gia, đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp về thực hiện các chủ trương, cơ chế phát triển kinh tế-xã hội trong các kỳ họp, thảo luận tại hội nghị đã có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực.

Những hạn chế, khuyết điểm trong quản lý kinh tế-xã hội từng bước được khắc phục thông qua các giải pháp, chương trình hành động, cụ thể như tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển KT-XH; tháo gỡ khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Cùng với đó, Huyện ủy chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, các hoạt động tín dụng, tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, phòng ngừa kịp thời, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm. Đến nay, Yên Lạc đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc kiểm tra, quản lý sử dụng đất trên địa bàn, qua đó, phát hiện 536 trường hợp vi phạm, đã xử lý 254 trường hợp vi phạm với diện tích trên 7,68 ha. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết số 02 của Huyện ủy về nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015. Tổ chức kiểm tra công tác quản lý tài chính, ngân sách ở 8 xã, thị trấn để khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém.

Trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, sự tập trung dân chủ được phát huy sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư4  đã có tác động tích cực, làm chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý các chương trình KT-XH trên địa bàn huyện. Tiêu biểu như trong các lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, GDPL, công tác cán bộ, tổ chức rà soát lại toàn bộ quy hoạch vùng sản xuất, các công trình KT-XH, nhất là việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân phấn đấu hoàn thành chương trình Xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Với các làm sáng tạo, quyết liệt và đi đầu trên nhiều lĩnh vực, sau một năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI), nhất là sau khi tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, những việc cần làm ngay, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Lạc đã tạo được sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Yên Lạc vẫn đạt mức tăng trưởng trên 15,31%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng định hướng; trong đó, CN-XD chiếm tỷ trọng 54,05%; thương mại, dịch vụ 23,2%, nông nghiệp, thủy sản giảm còn 22,75%. Đời sống nhân dân từng bước ổn định và nâng lên rõ rệt, nhiều xã, thị trấn đạt tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người với mức thu nhập đạt trên 21 triệu đồng/người/năm.

Đặng Quang Giới

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)