Các thành viên Facebook đang không còn tích cực cập nhật status, đăng ảnh... như trước.


Thời gian gần đây, bạn có chia sẻ thông tin lên Facebook nhiều như trước không? Tạp chí Fortune trích báo cáo của The Information cho thấy Facebook đang gặp khó khăn khi số lượng nội dung mà hơn 1,6 tỷ người dùng cập nhật (personal update) giảm tới 21%.

Chỉ số này phản ánh tình trạng chung của các cộng đồng trực tuyến. Mạng xã hội là nơi mọi người đăng thông tin cá nhân, thể hiện bản thân, đưa ra các quan điểm về cuộc sống... Tuy nhiên, khi trở nên phổ biến, không ít mạng xã hội lại gây cảm giác nhàm chán, thiếu an toàn và thôi thúc người dùng tìm kiếm dịch vụ khác khiến họ thấy mới mẻ và đặc biệt hơn. Đã có nhiều dịch vụ từng rất phổ biến trước khi đi xuống như Myspace, Bebo, Flickr, Orkut, LiveJournal, Friendster...

Facebook đang nỗ lực để tránh đi vào vết xe đổ của các dịch vụ kể trên. Nó vẫn được ưa chuộng vì đây không đơn giản chỉ là "sân chơi" của các thành viên mà còn là công cụ không thể thiếu với nhiều người trong việc kinh doanh, mua bán, kết nối với bạn bè, gia đình... Facebook vẫn là nơi mọi người nghĩ đến khi muốn thông báo những sự kiện quan trọng như đám cưới, mới sinh em bé, tốt nghiệp, những chuyến đi du lịch... Tuy nhiên, tỷ lệ cập nhật thông tin đã giảm đi.


Theo Fortune, có hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, các nội dung mang tính chuyên nghiệp, như video, tin tức... trên Facebook ngày càng tăng.

Facebook đã rất thành công khi biến mạng xã hội thành dịch vụ chia sẻ nội dung giải trí, video, tổng hợp tin tức báo chí khiến mọi người không cần rời Facebook mà vẫn có thể cập nhật đầy đủ tình hình thời sự mỗi ngày. Tuy nhiên, khi dành nhiều thời gian cho những thông tin này họ cũng rút ngắn thời gian chia sẻ về bản thân. Trong khi đó, xét cho cùng, các cập nhật cá nhân mới là thứ khiến thành viên tiếp tục gắn bó với Facebook. Không có những bức ảnh cưới, những khoảnh khắc đáng yêu của em bé, những món ăn đẹp đẽ..., Facebook chỉ là cỗ máy đăng tải nội dung chuyên nghiệp trị giá 327 tỷ USD đầy khô khan.

Thứ hai là sự chuyển đổi giữa các nội dung riêng tư và công khai. Người dùng Facebook hiểu rằng, không còn như những ngày đầu vô tư, giờ các cập nhật của họ sẽ bị theo dõi bởi bố mẹ, họ hàng, bạn học, sếp và đồng nghiệp, đối tác, thậm chí cả kẻ thù... Mỗi nhóm nhìn nhận thông tin mà bạn chia sẻ với con mắt khác nhau, khiến bạn cảm thấy chùn bước khi đăng một nội dung. Chẳng hạn, trước đây, bạn có thể liên tục viết status mỗi khi vui buồn, khi đi chơi, đi gặp gỡ... Còn nay, bạn phải cân nhắc lời than thở đó có khiến bố mẹ mình lo lắng không, bức ảnh rong chơi kia có bị sếp "soi" không, hay việc tiệc tùng trong quán bar có bị đối tác đánh giá gì không...

Bên cạnh đó, dù đã thiết lập chế độ để chỉ một nhóm đọc được, nguy cơ bị chụp màn hình và chia sẻ lại cũng không thể tránh khỏi. Đã có nhiều trường hợp, chỉ bấm Like cũng khiến một số người mất việc, mất người yêu... Không những thế, Facebook còn bổ sung thêm tính năng "ngày này năm xưa", nhắc lại người dùng không ít chuyện mà họ đã muốn cố quên.

Sự sụt giảm số lượng nội dung chia sẻ cá nhân cũng là lời nhắc nhở rằng, dù Facebook đang thống trị mạng xã hội thì tương lai cũng không có gì đảm bảo vị trí đó cho họ.