Hôm nay: Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Đó cũng là chủ đề cuộc hội thảo vừa qua được tổ chức tại huyện Vĩnh Tường đã hội tụ hàng trăm nhà Nghiên cứu lịch sử và hậu duệ của họ Mạc với nhiều chi họ gốc Mạc khác nhau. Vĩnh Tường là nơi có dấu tích của Hoàng Đế Mạc Kính Vũ và mộ phần của hoàng tộc nhà Mạc khi mai danh ẩn tích. Nhiều di tích lịch sử văn hóa: Chùa Bảo Quang, chùa Trống… vẫn còn lưu dấu nhiều phong cách, giá trị kiến trúc và điêu khắc riêng của nhà Mạc. Những hậu duệ của nhà Mạc ngày nay- họ gặp nhau, người đã là Giáo sư, tiến sĩ, người đã là doanh nhân hay đang nắm giữ những vị trí trọng trách trong Nhà nước… nhưng họ cùng chung một niềm hân hoan, xúc động, những tình cảm cháy bỏng trào ra từ trái tim đã ấp ủ bao lâu đến ngày gặp lại.

Lịch sử dân tộc còn ghi lại : Mạc Đăng Dung lật đổ vua Lê thối nát lên ngôi Hoàng Đế năm 1527, dựng lên vương triều Mạc, trị vì 65 năm. Thời gian cai quản đất nước, nhất là dưới đời hai vị anh quân Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, đất nước yên bình, nhân dân no đủ, kinh tế, văn hóa phát triển cao, an ninh quốc phòng vững mạnh được sử gia thời Lê Trịnh, thời Nguyễn ghi nhận. Trong lịch sử Việt Nam, dưới thời kỳ phong kiến thống trị, các phe phái xung đột với nhau gây nên cảnh “bể - dâu” thường thấy. Dòng họ Mạc của Mạc Đăng Dung cũng không nằm ngoài cảnh ấy. Từ khi quân Trịnh phá vỡ lăng miếu, truy sát, phải ly tán… Khi lịch sử phán xét lại, các dòng họ Mạc mới được phục hồi. Nỗi đau canh cánh của hậu duệ nhà Mạc cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa Việt Nam. 

Gần đây, qua nghiên cứu của các nhà sử học, vùng đất Vĩnh Phúc và một số huyện, thị trong tỉnh được phát hiện như là một địa bàn lưu trú tương đối mật tập của hậu duệ nhà Mạc với nhiều chi họ gốc Mạc khác nhau trong những năm cuối thập niên 90 thế kỷ 16 và trong thập niên 80 của thế kỷ 17. Khi trị vì ở Thăng Long, nhà Mạc luôn coi Vĩnh Phúc là hậu phương vững chắc; khi thất thủ rút lên Cao Bằng , nhà Mạc vẫn coi Vĩnh Phúc là địa bàn chiến lược quan trọng, tiến có thể đánh về Thăng Long, lui có thể rút về thành lũy ở Thái Nguyên, Cao Bằng…

Sau khi Thăng Long, Cao Bằng thất thủ, con cháu họ Mạc phải thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích. Qua những tư liệu đã khẳng định, hiện nay ở Vĩnh Phúc có 2 phái hệ chính: Phái hệ Mạc Kính Vũ đổi sang họ Nguyễn; phái hệ Mạc Mậu Hợp đổi sang họ Lê Đăng, họ Ngô, họ Hoàng thế. Ngoài ra còn có họ Trừ, họ Nguyễn Đăng, họ Nguyễn… Một số dòng họ còn lưu giữ được giả phả, một số chi họ khác chỉ còn lại truyền ngôn.

Cụ Nguyễn Quang Thiết (SN 1932), thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường (thời gian 1963 - 1968 cụ làm Chủ tịch UBND xã Việt Xuân) nói: Năm 1965 anh em bộ đội và dân công đào đất phát hiện một ngôi mộ lạ thường, không có dấu tích gì bên trên, không bia mộ nhưng khi đào xâu xuống thì lộ dần ra cỗ quan tài có màu đá đục trắng còn nguyên khối. Sau khi nhận được báo cáo, Chủ tịch huyện Vĩnh Tường đã khẳng định “Đây là ngôi mộ cổ, kiểu kiến trúc xa xưa, có thể vài trăm năm trước. Người trong ngôi mộ này có chức sắc không phải nhỏ. Hài cốt ướp xác trong ngôi mộ này có thể thuộc về các triều đại danh sử quốc gia…” Sau này, con cháu Mạc tộc đã xác định được đó là ngôi mộ Công chúa Mạc Chính Lan, con Vua Mạc Kính Vũ. Bây giờ, ngôi mộ này được đặt bên trong chùa Trống, xã Việt Xuân, Vĩnh Tường. Cụ Nguyễn Hữu Pháp (xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch) cho biết: “Các cụ ở đây còn truyền lại rằng: Khi nghe tin thất thủ Cao Bằng, tại thôn Chùa, xã Tiên Lữ ngày nay có một cụ bà ngửa mặt lên trời than khóc ba ngày ba đêm rồi chạy thẳng ra bờ sông thuộc làng Đông Mật (xã Sơn Đông) nhảy xuống sông tự vẫn để tỏ rõ khí tiết và thanh danh của nhà Mạc. Điều này khẳng định các cụ nhà tôi về đây trước khi thất thủ Cao Bằng (trước năm 1677 hoặc 1685). Cụ Nguyễn Hữu Pháp có 4 người con trai. Người con trai thứ nhất tiếp tục sự nghiệp Tổ tiên, người con trai thứ hai lánh cư sang Chùa Sùng Lâm (xã Văn Quán, huyện Lập Thạch), người con trai thứ ba cũng lánh cư vào chùa Đông Minh (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch). Còn người con trai thứ tư ở lại chùa Trống (xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường) để trông coi mồ mả tổ tiên được an táng tại nơi này. Từ đó đến nay, con cháu của Cụ đã trải qua 11 đời, có 345 hộ, với 1.391 khẩu. Các cụ có di huấn rằng: “Họ Nguyễn gốc Mạc nhà ta, cũng chung một gốc một nguồn mà ra. Tiên, Văn, Sơn, Việt một nhà, nhớ ngày giỗ Tổ cùng ra thôn Chùa”. Các từ: Tiên là xã Tiên Lữ; Văn là Văn Quán; Sơn là Sơn Đông (các xã thuộc huyện Lập Thạch); Việt là Việt Xuân (xã thuộc huyện Vĩnh Tường); Thôn Chùa là Chi trưởng ở Tiên Lữ (Lập Thạch).

Nhiều dấu tích của họ Mạc trên đất Vĩnh Phúc vẫn còn được lưu giữ lại. Theo tài liệu địa phương cho biết đã có nhiều người đỗ đại khoa dưới thời Mạc ở Vĩnh Phúc ngày này có 16 vị, trong đó 5 vị ở Yên Lãng, 6 vị ở yên Lạc và 5 vị ở Lập Thạch. Văn bia thời Mạc ở Vĩnh Phúc hiện có 8 bản, trong đó 2 văn bia ghi về dựng cầu cống, còn lại 6 văn bia ghi về việc tu sửa và xây dựng chùa Phật. Hoàng gia và đại thần nhà Mạc đã tham gia tu bổ chùa Phật quy mô khá lớn ở đây. Có ngôi chùa mới làm đúc đến 14 pho tượng. Hiện, Vĩnh Phúc còn bảo lưu được 2 pho tượng Quân âm quý giá.

Đây không chỉ là di sản quý giá thời Mạc của Vĩnh Phúc mà là sản phẩm đặc biệt trong di sản văn hóa dân tộc.

Ngoài ra, trên đất Vĩnh Phúc còn lưu giữ nhiều hiện vật tiêu biểu nhà Mạc ở Bảo tàng như tiền cổ. Ở đây, hiện có 3 loại tiền cổ thời Mạc, tiền “Đại chính thông bảo” đời Vua Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540). Mặt tiền đọc nổi bốn chữ Hán “Đại chính thông bảo” đọc chéo, kiểu chữ chân phương, lưng tiền để trơn, đường kính khoảng 22mm. Dưới đời vua Mạc Kính Cung (1593 - 1625) có 2 loại tiền “Thái Bình thánh bảo” và “An Pháp nguyên bảo”. Loại tiền “Thái bình thánh báo” có hình dáng và đường kính y hệt tiền “Đại chính thông bảo”, còn tiền “An pháp nguyên bảo” thì mặt tiền đúc nổi 4 chữ Hán trên và đọc vòng tròn theo kiểu kim đồng hồ, lưng tiền để trơn, đường kính 21mm.. Thêm vào đó còn có loại chân đèn và gạch trang trí độc đáo của nhà Mạc đang được trưng bày ở Bảo tàng Vĩnh Phúc.

Tìm lại những dấu tích tưởng đã bụi mờ theo thời gian, tìm lại nhau theo ký ức chất chứa nhiều nỗi niềm, những người họ Mạc dâng lên niềm xúc động khôn nguôi. Họ không bao giờ quên lịch sử, tổ tiên nên đến giờ vẫn tiếp tục tìm nhau dù hàng vạn người đã thay tên đổi họ. Họ muốn đóng góp cho Vĩnh Phúc những giá trị lịch sử, văn hóa… Anh Lê Minh Thường (nguyên gốc họ Mạc), hiện đang là Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh tâm sự: “Hôm nay được gặp gỡ anh em, ôn lại lịch sử và những công lao mà họ Mạc đã đóng góp cho đất nước, tôi mới thấy tự hào và hãnh diện biết bao. Điều mà tôi đã ấp ủ bao lâu…”. Anh Mạc Anh Tuấn (Hiện đang là một doanh nhân) chia sẻ: “Rất nhiều người khi cầm nén hương không biết tổ tiên mình. Nhưng với tôi, điều tự hào lớn nhất trong cuộc đời là biết và hiểu thấu về nguồn gốc tổ tiên mình”.

Họ - những người cải thành họ Nguyễn, Trần, Hoàng, Phan, Lê… nhưng không bao giờ quên gốc họ Mạc của mình. Họ đang cùng nhau xây dựng và đóng góp cho đất nước nói chung và mảnh đất Vĩnh Phúc nói riêng những giá trị lịch sử, văn hóa lớn, đáng trân trọng!

Thi Thi

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)