Hôm nay: Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024 Liên hệ Giới thiệu Trang chủ
Được coi là vùng đất giữa, Tam Dương không mấy được thiên nhiên ưu đãi cả về điều kiện địa lý và thổ nhưỡng. Chính vì vậy, đời sống kinh tế của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hoá, tinh thần của người dân.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), 15 năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ”, xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá và môi trường văn hoá luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Tam Dương coi trọng. Huỵên uỷ, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết: Chương trình hành động của Huyện uỷ về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII); Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ nhà văn hoá thôn; về phát triển sự nghiệp văn hoá và thể thao huyện giai đoạn 2008-2011; kế hoạch triển khai xây dựng thiết chế văn hoá- thể thao, vui chơi giải trí xã, thị trấn từ năm 2011 đến năm 2013….Từ việc triển khai đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động, đến nay, sự nghiệp phát triển văn hoá ở Tam Dương đã có những bứt phá đáng khích lệ và đây chính là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội trên địa bàn phát triển.

Một trong những nội dung đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá là thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Nhằm cụ thể hoá, nội dung này, Huyện uỷ, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội cùng vào cuộc. Bằng nhiều giải pháp có hiệu quả: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia, hỗ trợ các gia đình khó khăn được vay vốn,….Đồng thời thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo cũng như tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn huyện không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm còn 6,8%. Công tác giải quyết việc làm cho người dân luôn được quan tâm. Hàng năm, giải quyết việc làm mới cho 2.500 đến 3.500 lao động, số lao động qua đào tạo tăng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.  Các chương trình, chính sách đối với các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội luôn được triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.  Đi đôi với phát triển kinh tế, việc củng cố, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá đã và đang được quan tâm. Nhiều nghị quyết của HĐND huyện ban hành về cơ chế hỗ trợ nhà văn hoá thôn; về phát triển sự nghiệp văn hoá và thể thao …đã khơi dậy tinh thần xã hội hoá trong việc xây dựng Nhà văn hoá, xây dựng các thiết chế văn hoá. Nhà văn hoá, sân thể thao được xây dựng để tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Vì vậy, hiện nay toàn huyện đã có 13/13 xã, thị trấn có nhà văn hoá, kiêm hội trường, 104/145 thôn có nhà văn hoá, 3 trung tâm văn hoá xã, 1 trung tâm văn hoá huyện. Các hoạt động thể dục, thể thao được đẩy mạnh, toàn huyện có 16 sân bóng đá, 15 sân bóng chuyền, có 5 đội bóng chuyền và 2 đội bóng bàn hoạt động theo mô hình CLB, 21 thôn quy hoạch đất cho sân thể thao. Việc quy hoạch, xây dựng nhà văn hoá, sân thể thao đã và đang tạo điều kiện cho phong trào luyện tập TDTT, văn hoá, văn nghệ trong huyện phát triển. Đã có gần 40% dân số trong huyện thường xuyên luyện tập thể thao, toàn huyện có 58 CLB, đội văn nghệ không chuyện ở các thôn, làng. Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình này, hàng năm, các cấp, ngành trong huyện phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, liên hoan, thi văn hoá, văn nghệ: hát ru, hát dân ca….đã góp phần làm phong phú hơn cho đời sống tinh thần chủa nhân dân. Tiêu biểu cho phong trào văn hoá, văn nghệ là xã Thanh Vân, xã Duy Phiên, xã Hoàng Lâu… có CLB chèo Phú Ninh, CLB chèo Phú Vinh.

Xác định gia đình chính là tế bào của xã hội và muốn có một xã hội phát triển, tiến bộ đòi hỏi phải xây dựng được một gia đình lành mạnh, 15 năm qua, huyện Tam Dương đã quan tâm, chú trọng xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá nhằm giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và tạo mối quan hệ nhân ái, nghĩa tình giữa gia đình, thôn, làng xóm và xã hội; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, khoa học và hiệu quả.  Đến nay, toàn huyện đã có trên 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 80 làng(55%) đạt làng văn hoá và trên 915 cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá.

Đến năm 2020, Tam Dương quyết tâm đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện trong giai đoạn hiện nay đó chính là tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới với chất lượng và hiệu quả.

Bài, ảnh: Hoàng Nga

 

(--- Báo Vĩnh Phúc ---)